Giới Thiệu Đặc Sản Bến Tre

Nói đến bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ai cũng biết đó là đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc sản Bến Tre, xuất xứ từ vùng quê hương Giồng Trôm.

  • Mỹ Lồng – Sơn Đốc là hai xã thuộc huyện Giồng Trôm, cách nhau gần 30 cây số nhưng hai địa danh này luôn gắn liền. Một nơi nổi tiếng với bánh tráng, một nơi nức danh với bánh phồng. Tình người, tình đất, tình quê thấm đẫm trong từng chiếc bánh làm nao nức khách phương xa. Nếu đi từ hướng cầu Rạch Miễu về Bến Tre thì sẽ đến địa phận xã Mỹ Lồng trước. Dọc hai bên đường, những phên bánh trải dài thẳng tắp, mùi thơm của bánh tỏa ra khiến kẻ lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men khật khưỡng.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng – Đặc sản Bến Tre

  • Nghề làm bánh tráng ở Mỹ Lồng cũng như làm bánh phồng Sơn Đốc được nổi lửa đều đều vào những dịp giáp Tết. Từ món thủ công truyền thống mộc mạc trong gia đình ngày Tết, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc được nâng lên thành hàng hoá có giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giờ đây bất kỳ thời điểm nào trong năm mọi người cũng đều có thể thưởng thức món đặc sản mộc mạc, ngon lành này.
  • Bánh tráng Mỹ Lồng – bánh phồng Sơn Đốc từ lâu, nó được xướng lên như niềm tự hào lớn lao của người dân xứ dừa bên cạnh nhiều đặc sản trời phú. Bánh là sản vật làm từ nước cốt dừa béo trong thuần khiết của cây dừa quê đang đến độ đẫy đà.

Bánh tráng Mỹ Lồng – Đặc sản Bến Tre

Bánh tráng sau khi nướng

  • Bánh tráng Mỹ Lồng dày, đẹp tròn đều, to, bắt mắt người tiêu dùng. Một số hộ ở Mỹ Lồng đã công nghiệp hoá việc xay bột bánh bằng máy và bổ sung thêm sữa, hột gà làm cho chiếc bánh nâng tầm giá trị của nó, xốp và thơm ngon hơn.
  • Bánh phơi nếu gặp nắng tốt, độ nửa ngày là sẽ khô cong, chỉ chờ gỡ gạc, đem vào nhà. Công đoạn tráng bánh không quá cầu kỳ nhưng chỉ cần lỡ tay, mất nhịp, phả không đều là bánh sượng sùng, chỗ dày chỗ mỏng, mất ngon, mất vị.
    Thứ bột pha mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn không hẳn là loại gạo dẻo mịn tròn mà là gạo thơm vừa, nở nang, không quá khô là được.  Bánh tráng ngon hay dở là do tay người pha bột, khi pha xong phải làm dứt điểm nếu để ngày hôm sau sẽ bị ôi, thiu. Đường, muối, mè cũng được cân định lượng, nhưng với người làm bánh lâu năm, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào. Bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa bóng mịn, béo ngất ngây của xứ sở quê hương.  Ngày nay, khi nhu cầu thị trường có phần chú ý đến hình thức thì người thợ cũng dày công tỉa vành bánh, ép khuôn, đóng gói cho tiện lợi và đẹp mắt nhưng các công đoạn làm bánh thủ công thì không thể thay. Chỉ với bàn tay và sự nhạy cảm của những nghệ nhân cũng đủ làm chiếc bánh tròn hương, tròn vị.

Bánh phồng Sơn Đốc – đặc sản Bến Tre

  • Nghề làm bánh phồng nếp vất vả hơn so với làm bánh tráng, vì cần phải có lực lượng cơ bắp để quết bánh, 04 thanh niên quết, một người trở bột bánh, một người bắt bánh, một người cán, hai người phơi. Cả đội ngũ là một dây chuyền sản xuất. Giống nếp bà con sử dụng là giống nếp sáp địa phương vừa dẻo lại vừa ngon. Xôi được đồ chín rồi trộn với đường, bột vani đem quết, làm cả đêm mới có thể kịp phơi nắng sáng. Những đôi chân của thanh niên lực lưỡng đạp chày liên tục, người chỉ huy trở bột. Bột quệt xong đưa lên bàn bắt bánh. Người bắt bánh phải nắn bột cho đều nhau để chuyển cho người cán bánh. Bánh được cán tròn đều có đường kính 15 cm. Công đoạn cuối là đưa ra sân phơi. Cứ 10 lít nếp sản xuất được 300 chiếc bánh phồng.
Bánh phồng Sơn Đốc

Bánh phồng Sơn Đốc – Đặc sản Bến Tre

  • Bánh phồng Sơn Đốc ngon thơm cũng bởi tinh túy cốt dừa. Bánh xốp dẻo, béo và khó lẫn. Cái âm thanh xôm xốp cộng với mùi của bao sản vật quê hương gói trọn tinh thần của cả người làm ra bánh.
  • Bánh phồng cán tròn, được phơi trên chiếu mới, còn thơm mùi lát. Một manh chiếu có thể được dùng cho một mùa nhưng thông thường, người ta vẫn thay chiếu luôn bởi chỉ có mùi lát mới làm cho bánh có hương nồng nàn. Nếp được chọn quết bánh phồng là loại nếp rặt, dẻo thơm đặc biệt, đồ quết thật kỹ để cho ra những phần bột đều tay, không lợn cợn ốc trâu.
  • Bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre nhưng bánh phồng Sơn Đốc nhất định là quà ngon “lẫm liệt” không nơi nào qua. Không thể phân tích được từng thành phần trong bánh như nhà khoa học để tìm ra được cái bí truyền của nó bởi chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn.

TƯ VẤN DU LỊCH BẾN TRE TIỀN GIANG MIỄN PHÍ 

Du Lịch Miền Phù Sa Hân Hạnh Phục Vụ Quý Khách!

Hotline: 0918158995

GỌI NGAY