Làng nghề truyền được xem như một môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội mang đậm nét dân gian, cũng như chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Chính môi trường làng nghề đã bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác. Hôm nay Du lịch Bến Tre Tiền Giang xin giới thiệu với các bạn danh sách các làng nghề truyền thống nổi tiếng khi đi du lịch Bến Tre.

Như các bạn đã biết làng nghề phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho nông thôn, phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mình, mà còn góp phần giữ gìn cũng như phát triển phong phú thêm văn hóa truyền thống, tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn và các địa điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm. Tiêu biểu nhất là các làng nghề sau:

1. Làng nghề cây giống và hoa kiểng ở Chợ Lách

Nằm dọc theo con sông Cổ Chiên hiền hòa được phù sa bồi đắp quanh năm, thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Chợ Lách phù sa màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển cây trồng tươi tốt quanh năm và trái ngọt bốn mùa. Chợ lách được biết đến với những vườn cây xanh trái ngọt, cũng như sản xuất cây giống và hoa kiểng nổi tiếng cả khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Làng nghề truyền thống Chợ Lách - Du lịch Bến Tre

Làng nghề truyền thống Chợ Lách – Du lịch Bến Tre

Chính vì lẽ đó mà khách thập phương ví Chợ Lách là “Vương quốc cây trái và hoa kiểng” của cả vùng Nam bộ. Đã từ lâu, người dân nơi đây đã biết sáng tạo ra nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo và nhân giống cây ăn quả, nghề này trở thành nghề cha truyền con nối và đòi hỏi ngoài sự tỉ mỉ, kinh nghiệm trồng cây, canh thời vụ, còn phải có kiến thức khoa học nhất định để cho ra đời những giống cây mới, cho năng suất và chất lượng cây ăn quả cao hơn.

Hiện tại, tại Chợ Lách có 17 làng nghề cây giống và hoa kiểng được công nhận, phần lớn đều tập trung tại xã Vĩnh Thành, một vài ấp ở xã Phú Sơn và Vĩnh Hòa. Các xã còn lại của Chợ Lách cũng có nhiều hộ sản xuất cây giống, hoa kiểng, vườn cây ăn trái thứ thiệt, chất lượng, đủ sức cho du khách đến tham quan khám phá.

2. Làng nghề làm muối Bảo Thạnh – Ba Tri

Đến du lịch Bến Tre, du khách không thể bỏ qua làng nghề truyền thống sản xuất muối ở Bảo Thạnh, Ba Tri. Người ta thường gọi những người làm nghề này là “diêm dân”, vì “diêm” là muối, tức “dân làm muối”. Nghề này vốn cực khổ, cái nghề luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nghề làm muối chỉ làm được vào mùa khô, mùa mưa thì không làm được.

Làng nghề làm muối ở Bảo Thạnh - Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Làng nghề làm muối ở Bảo Thạnh – Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Theo như nhiều người từng trụ lại lâu năm với nghề làm muối, thì xã Bảo Thạnh bắt đầu làm muối từ trước những năm 30 của thế kỷ XIX. Đây là nghề cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Đối với nghề này, không cần phải có vốn nhiều nhưng đòi hỏi phải có nhiều công lao động, cùng những công cụ thông thường như: ống lăn, cào, trang.

Cách làm muối nhìn đơn giản nhưng chẳng dễ chút nào, phải làm từng công đoạn. Ban đầu phải đắp bờ, làm bằng phẳng nền ruộng như một cái khuôn, rồi phơi khuôn, lấy nước vào khuôn, chuyền nước qua lại các khuôn cho phù hợp, rồi rắc “muối giống” và sau cùng là thu hoạch.

3. Làng nghề cá khô An Thủy – Ba Tri

Làng nghề Cá Khô này nằm ven biển được hình thành hơn nửa thế kỷ. Do đây là nghề thủ công bằng tay, nên hoạt động chủ yếu hiện nay đều tập trung vào hộ gia đình. Nghề cá khô phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, ngày nắng gắt thì đạt năng suất cao, còn những ngày vào mùa mưa thì không thể làm được, mà nếu có làm thì phải sấy trong nhà.

Làng nghề cá khô An Thủy - Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Làng nghề cá khô An Thủy – Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Địa chỉ Tiệm Tôm, xã An Thủy, huyện Ba Tri có thể được xem là “thánh địa” của nghề này. Cứ mỗi chuyến đánh bắt về là người dân nơi đây bắt tay vào làm. Vì làm cá khô đòi hỏi cá phải còn tươi mới cho ra sản phẩm chất lượng và điều quan trọng là phải kịp con nắng trong ngày.

Hiện tại cá khô An Thủy đã được người dân cả nước biết đến và đang định hướng xuất khẩu ra nước ngoài.

4. Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng Bình Đại

Làng cá Bình Thắng (Bình Đại) có từ trước năm 1950. Nghề đánh bắt cá xuất hiện đầu tiên ở xóm ghe Tư Thôn (nay thuộc ấp 3 của xã). Hiện nay, làng cá Bình Thắng không ngừng phát triển và tiến đến thiết lập nên thương hiệu. Nghề đánh bắt cá, chế biến thành cá khô ở đây ngày nay trở thành nghề truyền thống, tập trung ở các ấp 2, 3, 4 và 5. Sản lượng tiêu thụ rộng trên thị trường ngoài tỉnh rất nhiều.

Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng Bình Đại - Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng Bình Đại – Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Nghề chế biến cá khô ở Bình Thắng (Bình Đại) cũng giống như cách chế biến cá khô ở An Thủy. Bình Thắng còn là cái nôi, là trung tâm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất hàng năm, không những của huyện Bình Đại mà còn là của tỉnh Bến Tre.

Đến với các làng nghề ở Bến Tre, du khách sẽ được trải mình và khám phá thêm những nét đẹp văn hóa của vùng đất xứ dừa tạo nên, sẽ làm du khách không khỏi ngạc nhiên và hài lòng.

Du lịch Bến Tre Tiền Giang sưu tầm

DANH SÁCH TOUR DU LỊCH BẾN TRE – DU LỊCH TIỀN GIANG ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT 2016