Trong những năm sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cù lao Thới Sơn tiếp tục đi đầu trong công cuộc phát huy tiềm năng đất đai, lao động, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước đẹp giàu.

Đặc biệt, xã cù lao được biết đến là một trong những nơi tiên phong ở miền đồng bằng sông nước Cửu Long khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, thu hút du khách, giúp tạo việc làm cho người lao động, thu hút đồng vốn đầu tư phát triển…

Nghe và Giao lưu đờn ca tài tử | Du lịch Cồn Thới Sơn

Nghe và Giao lưu đờn ca tài tử | Du lịch Cồn Thới Sơn

Về Tiền Giang, nhắc đến cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho) hầu như ai cũng hình dung trong tâm trí miền quê sông nước giàu truyền thống cách mạng hào hùng, vừa có cảnh trí nên thơ, hữu tình.

Nơi đây, con sông Tiền từ trên thượng nguồn chảy về ôm trọn cù lao vào lòng như một vòng tay mẹ trước khi băng băng ra biển lớn. Cũng trên con sông quê hương, thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Mỹ Tho anh hùng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng, đánh chìm chiếc tàu xáng Jamaika B lớn nhất miền Nam thời kỳ ấy khi nó đang bơm hút cát từ sông Tiền xây dựng căn cứ quân sự Đồng Tâm, làm nơi đồn trú cho Sư đoàn 9 quân viễn chinh Mỹ.

Xa hơn, nơi đây từng chứng kiến trận đánh nổi tiếng của vị danh tướng, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đại phá 5 vạn thủy quân Xiêm, làm nên Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút lẫy lừng.

Tất cả góp phần làm dầy thêm truyền thống hào hùng cho cù lao Thới Sơn trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước đã qua.

Cù lao Thới Sơn có diện tích tự nhiên trên 1.211 ha, hơn 6.000 dân đang sinh sống. Riêng diện tích vườn cây ăn trái gần 600 ha. Trong những năm sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cù lao Thới Sơn tiếp tục đi đầu trong công cuộc phát huy tiềm năng đất đai, lao động, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước đẹp giàu.

Đặc biệt, xã cù lao được biết đến là một trong những nơi tiên phong ở miền đồng bằng sông nước Cửu Long khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, thu hút du khách, giúp tạo việc làm cho người lao động, thu hút đồng vốn đầu tư phát triển…

Thưởng thức trái cây - Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Thưởng thức trái cây – Du lịch Bến Tre Tiền Giang

Có thể nói, loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng được địa phương khai thác rất sớm, ngay từ năm 1985 mà trung tâm là cù lao Thới Sơn trên sông Tiền.

Thới Sơn có thuận lợi nhiều mặt với địa bàn cù lao sông nước, cảnh trí hữu tình, dân cư chất phác, hiền hòa và mến khách lại năng động trước những thời cơ chuyển đổi từ thuần nông sang làm du lịch sinh thái miệt vườn, mở ra chân trời phát triển mới phù hợp xu thế đô thị hóa vùng ven thành phố Mỹ Tho ngày một mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện thành phố được công nhận đạt tiêu chí Đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Thời kỳ đầu, tại đây có 5 điểm du lịch được đặt tên lần lượt là Thới Sơn 1, Thới Sơn 2, Thới Sơn 3, Thới Sơn 4 và Thới Sơn 5 do Công ty Du lịch Tiền Giang khai thác, nay là Công ty Cổ phần du lịch Tiền Giang.

Ngoài ra, ngành du lịch còn liên kết với các nhà vườn để kinh doanh du lịch phục vụ du khách, tạo thêm sự phong phú, hấp dẫn cho các tour, tuyến điểm du lịch bên cạnh việc hình thành đội ngũ đò chèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Đến năm 2013, trong Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang là “Khu du lịch quốc gia”.

Sau hơn ba mươi năm hình thành, cơ sở vật chất và sự nghiệp du lịch tại Thới Sơn không ngừng đổi mới, lớn mạnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong ngoài nước.

Thới Sơn hiện có khả năng đón tiếp trên 2.000 khách tham quan/ngày. Còn khảo sát sơ bộ, trên cù lao Thới Sơn, cơ sở vật chất phục vụ du lịch tiện nghi hiện gồm:

  • 1 trạm hỗ trợ du khách,
  • 2 Công ty kinh doanh du lịch lữ hành nội địa hoạt động (chưa kể các đơn vị liên kết khác),
  • 4 điểm du lịch chính,
  • 3 tuyến đò chèo,
  • 2 bến xe ngựa,
  • 1 bến xe ô tô điện,
  • 263 tàu vận chuyển du khách,
  • Hàng chục câu lạc bộ đờn ca tài tử,
  • 6 nhà hàng, hàng trăm hộ dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch…góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.

Trung bình mỗi năm, Thới Sơn đón trên 750.000 lượt du khách, trong đó trên 70% là khách quốc tế.

Năm 2016, thành phố Mỹ Tho được công nhận và tổ chức lễ ra mắt đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế lao động và 41 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Đây là một sự kiện quan trọng được nhân dân trong ngoài tỉnh hết sức quan tâm. Thành phố Mỹ Tho được công nhận Đô thị loại I trực thuộc tỉnh cũng mở ra thời cơ để đưa du lịch Thới Sơn lên một tầm cao mới, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Cụ thể, địa phương đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh du lịch đồng thời cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm đánh giá đúng thực trạng, đề xuất các phương án phát triển cụ thể, khả thi và những biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu đề ra.

Những định hướng cụ thể trong Đề án phát triển du lịch Thới Sơn là:

  • Huy động tốt nguồn vốn đầu tư; xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch;
  • Đào tạo phát triển nguồn nhân lực;
  • Bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững;
  • Tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn du lịch, liên kết vùng và tiểu vùng trong kinh doanh du lịch nhất là giữa Thới Sơn với các khu vực lân cận, với các tuyến điểm du lịch trong ngoài tỉnh; quản lý tốt môi trường du lịch và kinh doanh du lịch…
  • Bên cạnh đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng du lịch, nạo vét kênh mương, trồng cây xanh, giải quyết rác thải và ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, quy hoạch du lịch trên cù lao Thới Sơn đã được phê duyệt với qui mô 30,98 ha gồm 4 khu chuyên đề: Khu đón tiếp du lịch đường bộ, Khu du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch thể thao dưới nước và Khu du lịch nghỉ dưỡng – phục hồi sức khỏe.

Hiện nay, Công ty Cổ phần du lịch Tiền Giang đã đầu tư Khu du lịch Thới Sơn 1 trên qui mô 13,6 ha với nhiều hạng mục như: Nhà hàng, nhà nghỉ, khuôn viên cây xanh, vườn cây ăn trái…

Ngoài ra, còn nhiều dự án mới của các nhà đầu tư trong ngoài nước đang tiếp tục khởi động trong thời gian tới mang lại tin vui cho mọi người.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp du lịch Tiền Giang liên kết với nhiều hộ dân địa phương để tạo thành những tuyến du lịch sinh thái – cộng đồng nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu du khách trong ngoài nước.

Những sản phẩm du lịch mới đang được ưa chuộng: Thưởng thức trái cây đặc sản, đi đò chèo trên sông rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã vùng sông nước Cửu Long, dịch vụ tát ao bắt cá, tham quan ngành nghề truyền thống… được coi là đặc trưng của du lịch Thới Sơn đang có sức hấp dẫn du khách, tạo nên thương hiệu “du lịch Thới Sơn” nổi tiếng và ngày càng vang xa./.

Minh Trí /TTXVN
Du lịch Miền Phù Sa sưu tầm

NHỮNG TOUR DU LỊCH BẾN TRE TIỀN GIANG ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT