Đến du lịch Bến Tre, khám phá và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, nơi đã làm nên những đặc sản nổi tiếng của Bến Tre, đón nhận những tình cảm mến khách và nét đôn hậu, mộc mạc của đất và người dân vùng sông nước xứ dừa, du khách sẽ rất thú vị không thể nào quên.

Hôm nay Du lịch Bến Tre Tiền Giang xin giới thiệu với các bạn một số làng nghề đặc sản của Bến Tre mà bạn nên ghé thăm khi có dịp về quê hương xứ dừa Đồng Khởi.

Làng nghề làm kẹo dừa - Du lịch Bến Tre

Làng nghề làm kẹo dừa – Du lịch Bến Tre

 

1. Làng nghề sản xuất kẹo dừa Bến Tre

Kẹo dừa có nguồn gốc từ Mỏ Cày, vì thế mà ca dao Bến Tre đã lưu truyền: “Bến Tre nước ngọt sông dài – Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh – Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo – Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”

Hiện nay Kẹo dừa Bến Tre đã là một đặc sản nổi tiếng của cả nước, mang đậm nét văn hóa của xứ sở dừa. Khi nhắc đến Bến Tre du khách không thể nào quên được “kẹo dừa” vừa ngon, vừa béo, vừa thơm, mà đi đâu ai cũng nhắc đến và cũng không nơi nào làm giống được.

Sau này do nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế, việc sản xuất kẹo dừa đã được mở rộng ra ngoài huyện Mỏ Cày và hình thành nên làng nghề sản xuất kẹo dừa ở phường 7 – thành phố Bến Tre. Đây là điểm đến cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Có thể nói kẹo dừa luôn gắn bó với cuộc hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch ở vùng đất xứ dừa. Vì thế, mà khi du khách đến Bến Tre hình như ai cũng tìm mua kẹo dừa về làm quà cho gia đình, người thân, bè bạn.

Tại các điểm du lịch sinh thái Châu Thành, thành phố Bến Tre, có tổ chức các điểm sản xuất kẹo dừa truyền thống, để du khách tận mắt chứng kiến, cũng như trực tiếp tham gia vào quy trình làm ra sản phẩm kẹo dừa. Qua đó, du khách trải nghiệm và cảm nhận những tâm tư, tình cảm của người dân vùng sông nước xứ dừa.

Bánh Phồng Sơn Đốc - Du lịch Bến Tre

Bánh Phồng Sơn Đốc – Du lịch Bến Tre

 

2. Làng nghề sản xuất “Bánh tráng Mỹ Lồng”- “Bánh phồng Sơn Đốc” và “Bánh phồng Phú Ngãi”

Có thể nói, đây là sản phẩm có tiếng cả trong lẫn ngoài tỉnh. “Bánh tráng Mỹ Lồng” có nhiều hương vị khác nhau, để du khách có thể lựa chọn như: bánh tráng béo nước cốt dừa (loại ngọt, mặn), bánh tráng béo dừa có thêm sữa, trứng gà hay bánh tráng sữa không dừa.

Tuy nhiên, loại bánh tráng ngon nhất, được ưa chuộng nhất vẫn là bánh có dừa (loại này vừa béo, vừa xốp). Khi đặt bánh lên lò lửa than nướng, bánh vừa vàng tới đã tỏa mùi hương thơm béo béo, rất hấp dẫn.

Trải qua bao thăng trầm, tâm huyết nghề truyền thống, kết hợp với sự khéo léo từ những bàn tay của người thợ ngày nay ở làng nghề đã sáng tạo thêm loại bánh tráng nem (hay còn gọi là bánh tráng cuốn), vừa mỏng, vừa dai, vừa tay cuốn. Loại bánh tráng nem này, hiện có mặt ở rất nhiều nhà hàng sang trọng chốn thị thành.

Ngoài “Bánh tráng Mỹ Lồng” làng nghề “Bánh phồng Sơn Ðốc” là vùng làm bánh có tiếng từ lâu và nhờ có tiếng tăm như thế, nên bánh phồng được lấy tên bởi chính địa danh nơi làm bánh.

Theo người làm bánh, thì bánh phồng làm công phu hơn bánh tráng. Nguyên liệu làm từ nếp nhưng phải nấu thành xôi, cho vào cối “quết” nhuyễn cùng với các phụ liệu khác; rồi mới bắt bột vo tròn lại, cán mỏng đem phơi.

Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là một kỳ công, nắng vừa phải, nếu nắng quá bánh sẽ chai, gặp mưa xuống bánh bị hư. Vào làng nghề quết bánh phồng mỗi sáng, du khách nhìn thấy và sẽ nghe tiếng chày thậm thịch, rộn rã khác thường.

Ở xã Phú Ngãi – Ba Tri cũng có một làng nghề làm bánh phồng rất có tiếng. Đó là làng nghề “Bánh phồng Phú Ngãi”. Mặc dù cũng làm bánh phồng như làng nghề ở Sơn Đốc, nhưng với bí quyết riêng nên bánh ở đây cũng ngon không kém gì nơi khác.

Rượu Phú Lễ - Du lịch Bến Tre

Rượu Phú Lễ – Du lịch Bến Tre

 

3. Làng nghề Tiểu Thủ Công Nghiệp ở Phú Lễ (Ba Tri)

Ngoài nghề đan đát còn có nghề nấu rượu nếp truyền thống rất nổi tiếng từ xưa đến nay. “Rượu Phú Lễ” không biết có tự bao đời, chỉ biết tư liệu sách sử ghi lại vào năm 1851, Đình Phú Lễ tại làng Phú Lễ – Ba Tri được vua Tự Đức sắc phong, trong nghi thức đón nhận sắc phong “Rượu Lễ” đóng vai trò quan trọng.

Nguyên liệu dùng để nấu rượu này là loại nếp mùa dài ngày ngon nhất, được đích thân trưởng lão trong làng chọn 36 vị thuốc theo liều lượng thích hợp.

Các vị thuốc đó là: trần bì, quế khâu, đinh hương, tất phát, đại hồi, sa nhân, tiểu hồi, lương cương, càng cương, bạch khấu, ngọc khấu, mai hoàng, hậu phát, thảo quả, quế chi, trạch lan, xích thước, hồng hoa, linh cừ, mật nang, tạo giác, cam thảo, son tàu, cam thảo nam, thiên niên kiện, cát cánh, bồ kết, hương truật, nhãn lòng, trầu lương, rau răm, lá nhãn, ngũ vị, tai vị, tiêu sọ, mồng tưới.

Các vị thuốc này được xay nhuyễn, trộn bột gạo lứt, nhồi chung với cám, vo thành viên rồi phơi khô tạo thành một loại men đặc biệt gọi là hồ men.

Rượu ra lò chưa dùng ngay mà phải hạ thổ (chôn xuống đất) 100 ngày, để hấp thụ âm dương của trời đất cho rượu thật “nhuần”. Đến ngày khai rượu, Trưởng lão chay tịnh sạch sẽ, lấy rượu hạ thổ đặt vào nơi trang trọng nhất. Nhờ vậy mà rượu Phú Lễ có được hương vị thật thanh tao, diễm tuyệt.

Rượu Phú Lễ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến bởi sản phẩm rất thơm ngon, tinh khiết, chất lượng ổn định, không độc hại và hợp khẩu vị của người tiêu dùng.

Trên đây là một số làng nghề đặc sản tiêu biểu của Bến Tre. Du lịch Bến Tre sẽ tiếp tục sưu tầm và cung cấp cho các bạn thêm những thông tin mới nhất về du lịch Bến Tre. Các bạn cùng đón đọc nhé!

DANH SÁCH TOUR DU LỊCH BẾN TRE TIỀN GIANG ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT 2016