Làng nghề dệt chiếu An Hiệp – Châu Thành – Bến Tre (Làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) An Hiệp) được hình thành từ những năm 1950, trải qua mấy mươi năm phát triển với biết bao thăng trầm, nghề dệt chiếu truyền thống vẫn không bị mai một theo thời gian mà vẫn được bảo tồn và phát triển, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Sức sống ở làng nghề dệt chiếu truyền thống
- Làng nghề dệt chiếu An Hiệp với đa dạng các sản phẩm chiếu khác nhau nhưng mặt hàng chủ lực là chiếu cói, sau này có thêm chiếu lục bình
- Không chỉ sản xuất các mặt hàng chiếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu mà còn là nơi sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp khác, đa dạng về nguyên liệu, phong phú về sản phẩm.
- Lực lượng lao động ở làng nghề không ngừng tăng lên, với hơn 50 hộ ban đầu nay đã có trên 200 hộ tham gia dệt chiếu và gần 400 hộ tham gia các mặt hàng khác, có trên 1.000 lao động.
- Mỗi năm, làng nghề An Hiệp sản xuất trên hàng chục ngàn m2 chiếu, hàng trăm tấn chỉ xơ dừa và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác.
Theo chân đoàn làm phim phóng sự làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại Bến Tre, tôi có dịp về lại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Bây giờ, vùng đất An Hiệp đã hoàn toàn mới với những con đường tận trong các thôn ấp đã được trải bê tông phẳng phiu, những hàng dừa tỏa bóng mát dọc hai bên đường, những khu vườn với đủ các loại trái cây như: Bưởi da xanh, cam, quýt, ca cao,…xanh mướt, điều kiện giao thông nông thôn của người dân ở đây đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, kinh tế- xã hội xã nhà ngày càng phát triển.
Được biết, chính quyền địa phương và nhân dân xã An Hiệp đang chung tay phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới để góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, đưa kinh tế xã An Hiệp phát triển một cách bền vững.
Theo con đường làng quanh co nông thôn, chúng tôi tìm gặp cô Nguyễn Thị Khánh, người đã gắn bó với nghề dệt chiếu từ rất lâu.
Cô cho biết: “Năm nay tôi đã được 55 tuổi và gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống ở An Hiệp hơn 20 năm, lúc đầu gia đình chỉ có vợ chồng tôi làm chiếu, cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chỉ bỏ mối cho một vài cơ sở nhỏ lẻ, nhưng gia đình tôi quyết gắn bó với nghề chiếu, vì đây là nghề truyền thống, nên tôi quyết tâm giữ các nghề, cái nghiệp là vậy”
Cô cho biết nguyên liệu chính để dệt chiếu là lát, ngoài ra còn sử dụng lục bình để dệt chiếu. Cô Khánh cho biết thêm: “Muốn làm nên một sản phẩm chiếu cói đẹp thì phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu như lựa lát, lục bình đem đi phơi khô rồi mới dệt; dệt xong thì chuyển sang khâu may biên, đem đi phơi nắng, tẩy trắng, chống mốc, sơn bóng rồi đóng gói, xuất hàng đi.”
Ở làng nghề dệt chiếu, từ người già đến trẻ con ai cũng biết dệt chiếu; những em học sinh, sinh viên ở đây vào những ngày nghỉ hè, các em cũng tập tành dệt chiếu nhằm giữ gìn và bảo tồn cái nghiệp mà các thế hệ đi trước đã để lại.
Em Nguyễn Khánh Thuy – học sinh lớp 10 cho biết: “Cả nhà em ai cũng dệt chiếu, ngoài giờ học trên lớp, về nhà em phụ cha mẹ dệt chiếu để bán cho các cơ sở, phụ giúp gia đình kiếm tiền để trang trải cuộc sống và đóng học phí cho em, nhờ nghề dệt chiếu này mà cuộc sống của gia đình em đã khá hơn trước rất nhiều”.
Nhiều điều kiện để phát triển du lịch
Hiện nay, du lịch Bến Tre đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, du khách ngày càng biết đến Bến Tre nhiều hơn. Đặc biệt, loại hình du lịch làng nghề đang được ưu tiên phát triển tại Bến Tre.
Sở Công Thương tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ đầu tư về khuyến công, hạ tầng, xúc tiến thương mại, mở nhiều lớp tập huấn đào tạo nghề, kỹ năng quản lý, kiến thức hội nhập, kỹ thuật an toàn cho người dân ở các làng nghề.
Ở Bến Tre, việc phát triển các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn từ lâu đã được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, đây cũng là một trong những mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới đặt ra.
Vì vậy, việc ổn định và phát triển làng nghề dệt chiếu An Hiệp- Châu Thành không những góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với việc gắn liền với vùng du lịch sông nước 8 xã ven sông Tiền.
Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để An Hiệp vực dậy ngành kinh tế du lịch địa phương.
Nếu làng nghề dệt chiếu An Hiệp được hỗ trợ vốn để các hộ sản xuất đều được đầu tư trang thiết bị kĩ thuật cho các công đoạn dệt chiếu, nâng cao hiệu suất sản phẩm, tiết kiệm thời gian, mẫu mã tạo ra ngày càng tinh xảo hơn được nhiều du khách yêu thích, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì kinh tế – xã hội của xã An Hiệp nói chung, kinh tế gia đình của các cơ sở dệt chiếu ở đây cũng được nâng cao vươn lên làm giàu một cách bền vững.
Ngoài ra, các cấp các ngành quản lý, các Hiệp hội làng nghề, các nhà đầu tư cũng cần hỗ trợ, quan tâm hơn đến các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là những nghề truyền thống để không mai một góp phần xây dựng các làng nghề là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi về du lịch sinh thái miền sông nước Bến Tre.
Theo Hoàng Việt
Du lịch Miền Phù Sa sưu tầm
NHỮNG TOUR DU LỊCH BẾN TRE TIỀN GIANG ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT