Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công luôn đồng hành với du lịch Tiền Giang. Do hoàn cảnh lịch sử, vùng đất phía Nam khai phá sau nền văn minh sông Hồng. Vì vậy, làng nghề thủ công truyền thống (gọi tắt là làng nghề) của vùng đất Nam bộ nói chung và tỉnh Tiền Giang xuất hiện chậm hơn, số lượng ít hơn và quy mô không lớn như các làng nghề phía Bắc.
Với tiến trình phát triển của xã hội, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những làng nghề được hình thành và tồn tại theo từng khu vực, từng cụm dân cư: Làng nghề bún, hủ tiếu Mỹ Tho, đan nón bàng buông Thân Cửu Nghĩa, dệt chiếu Long Định – Châu Thành, bánh phồng sữa Cái Bè, bó chổi Vĩnh Hựu – Gò Công Tây, …
Trong đó, Làng nghề đóng tủ thờ tọa lạc tại ấp Ông Non, xã Tân Trung – Thị xã Gò Công được xem là một trong những Làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang.
Trong những năm đầu thế kỷ 17, theo dòng người từ phương Bắc vào phương Nam mở cỏi, lập nghiệp. Tủ thờ Gò Công đã được những bàn tay tinh xảo, điệu nghệ của thầy thợ đất Bắc mang vào phương Nam tạo dựng nên tủ thờ mang âm hưởng, đường nét hoa văn của cội nguồn đất Tổ.
Theo những người làm nghề đóng tủ thờ thì Ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1890 là người đầu tiên khởi xướng và có công đưa nghề đóng tủ thờ ở đây phát triển và đến nay đã trở thành một Làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Theo thời gian, tủ thờ Gò Công đã được thay đổi mẫu mã, chi tiết hoa văn để phù hợp với đời sống của cư dân địa phương qua từng thời kỳ. Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ, từ chiếc tủ có 3 trụ đứng, đến nay chiếc tủ có đến 19, 21 trụ với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ.
Điều đặc biệt, tất cả các chi tiết đều được làm bằng gỗ nối với nhau bởi mộng, ngàm, khóa chốt gỗ,…
Hiện nay, Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm đã vinh dự nhận Huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ – Hà Nội năm 1984.
Đặc biệt, tủ thờ Gò Công đã được bài trí rực rỡ và trang nghiêm tại đền thờ các Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – Hà Nội và tại quê Người ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công nằm trên Quốc lộ 50, theo hướng cầu Mỹ Lợi, nối liền thành phố Hồ Chí Minh và các huyện phí Đông của tỉnh Tiền Giang, rất thuận lợi cho việc tham quan, du lịch của du khách thông qua việc kết hợp với các tour du lịch nối các tỉnh trong khu vực và thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó, Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công vừa là nơi tổ chức sản xuất ra các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của làng nghề, đồng thời bản thân làng nghề là một sản phẩm tổng thể có sức hấp dẫn du khách đến tham quan du lịch.
Do đó, việc khai thác thế mạnh để phát triển làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống kết hợp với du lịch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn.
Phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những hướng đi quan trọng của ngành du lịch, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như việc tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, có sức hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao, khẳng định và vai trò của các sản phẩm lưu niệm trong việc phát triển du lịch bền vững./.
Theo Thanh Hữu
Du lịch Miền Phù Sa sưu tầm
NHỮNG TOUR DU LỊCH BẾN TRE TIỀN GIANG ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT